HƯỚNG DẪN CÁCH THEO DÕI CON KHI BỊ CẢM CÚM, CẢM LẠNH
Phần lớn bệnh khởi phát bởi virus, nếu chăm sóc đúng bé sẽ tự khỏi, tuy nhiên vì miễn dịch của bé chưa được tốt nên có thể có biến chứng.
Vì vậy, DS. Trương Minh Đạt chia sẻ với các mẹ cách THEO DÕI con khi con bị cảm cúm, cảm lạnh.
4 GIAI ĐOẠN KHI BÉ CẢM CÚM, HO, SỔ MŨI
1. Giai đoạn xâm nhập: Bé bị virus xâm nhập đường hô hấp, trong 2 – 3 ngày bé chưa xuất hiện bất cứ triệu chứng nào do virus đang nhân lên nhưng chưa đủ số lượng để gây bệnh.
2. Giai đoạn khởi phát: Giai đoạn này virus bắt đầu nhân lên với số lượng lớn, bé bắt đầu hắt xì hơi, có thể có ho khan, chảy mũi trong… nhưng ăn, chơi vẫn bình thường. Giai đoạn này xảy ra từ ngày thứ 4 – 5 sau giai đoạn virus xâm nhập.
3. Giai đoạn toàn phát (bùng phát): Đây là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh, virus nhân lên với số lượng lớn và gây ra các triệu chứng như sốt, mũi vàng, đục, ho khan chuyển sang ho có đờm… Giai đoạn này xảy ra ngày thứ 4 đến ngày thứ 6.
4. Giai đoạn khỏi bệnh: Sau khoảng thời gian bùng phát, cơ thể đã sản sinh kháng thể để tiêu diệt virus gây bệnh, bệnh bắt đầu khỏi dần, hết sốt.
NẾU BÉ DIỄN BIẾN THEO ĐÚNG CHU KỲ BỆNH NÀY, CÁC MẸ KHÔNG CẦN LO LẮNG, HÃY KIÊN NHẪN THEO DÕI, VỆ SINH MŨI HỌNG, CHO BÉ ĂN UỐNG BÌNH THƯỜNG, THÊM VITAMIN ĐỂ NÂNG SỨC ĐỀ KHÁNG CHO BÉ.
Tuy nhiên, có những bé đề kháng yếu, mức độ nhiễm virus nặng có thể có các biến chứng. Nên các mẹ hãy đưa bé đi khám khi có các dấu hiệu sau:
1. Ho sổ mũi kéo dài trên 10 ngày không có dấu hiệu thuyên giảm.
2. Có biến chứng phế quản, phổi: Dấu hiệu thở rút lõm lồng ngực, thở nhanh.
– Trẻ em dưới 2 tháng: Nhịp thở trên 60 lần/phút.
– Trẻ từ 2 – 12 tháng: Nhịp thở trên 50 lần/phút
– Trẻ trên 12 tháng: Nhịp thở trên 40 lần/phút.
Lưu ý đếm khi bé nằm yên, ngủ và không sốt.
3. Có biến chứng Viêm tai giữa: Khi trẻ quấy khóc, tay cứ đưa lên tai, có dịch mủ chảy ra từ tai, tai có mùi khó chịu.
4. Sốt kéo dài trên 3 ngày, bé mệt mỏi, li bì, bỏ ăn….hoặc bé sốt 2-3 ngày rồi cắt sốt được 1-2 ngày lại sốt lại.